Doanh nhân – nghệ sĩ Lê Đình Hùng (thường gọi Hùng Cửu Long, bên cạnh các cái tên đình đám như Mr. Áo Dài, Mr. Thất Bại, Ông Tưng…) là một trường hợp mà nói như ngôn ngữ ngày nay, “không phải dạng vừa đâu”.
Thế nhưng nhìn lại các phát ngôn và hành động của Hùng Cửu Long trong nhiều năm qua, sai sót, đại ngôn, ảo tưởng đều có… nhưng chung quy vẫn là người biết chịu trách nhiệm, thẳng thẳn và dũng cảm đối diện sự thật, đối diện thói hư tật xấu để hướng thiện.
“Thật ra khi tôi chìa tay ra nắm lấy bàn tay Bà Tưng là tôi nghĩ về con gái, con trai của mình. Tôi trộm nghĩ 20 năm sau, con mình nếu có tưng bừng như thế, tôi cũng ước có một người đủ bản lĩnh và uy tín dang tay cho cháu lúc cô đơn hay hoạn nạn. Là người từ tận cùng đi lên, tôi càng hiểu Huyền Anh lúc này rất cần lời chỉ dạy, góp ý, giúp đỡ và ủng hộ. Tuổi trẻ ai cũng một lần máu lửa. Thế giới ảo đã đưa em lên hàng đình đám, cần có cây cầu giúp em bước xuống mặt đất bình yên”. Lúc đỉnh điểm của Bà Tưng, phát ngôn và hành động này của Hùng Cửu Long cũng làm cho thế giới giải trí một phen thị phi. Thế rồi, như cá tính và bản lĩnh vốn có, vào được ra được, Hùng Cửu Long chỉ thành Ông Tưng trong một thời gian ngắn, khi mà Bà Tưng cần. Nhưng cuộc trò chuyện lần này không xoáy vào chủ đề vừa nêu, mà là những cái thật sự Hùng Cửu Long hơn.
Từ Mr. Áo Dài…
Từ 10 năm trước, khi anh quyết định mặc áo dài thường xuyên – đến mức “giang hồ” phải gọi là Mr. Áo Dài, mà nhiều khi không theo cách thiện cảm – bạn bè, người thân anh nghĩ gì?
Gia đình đương nhiên không đồng ý rồi, vì họ cho rằng nhìn thấy kỳ cục, bất tiện, khó phù hợp. Bạn bè nói tôi lập dị, chơi nổi, bốc đồng. Người không quen thì nói dở hơi, khùng điên, chạm điện, ấu trĩ…; nhiều người còn ra mặt chửi lai Tàu – China – Trung Quốc… Chung quy họ nghĩ doanh nhân là phải giống Tây phương, phải quý phái, hàng hiệu, hiện đại, phong cách này kia, ăn mặt như tôi là quái thai. Trên tất cả tôi vẫn lắng nghe, vẫn cảm nhận mà không hề nao núng, vì mình biết mình cần gì và tại sao.
Còn bản thân anh khi những ngày đầu mặc áo dài trên từng cây số, anh không thấy bất tiện sao?
Có chứ. Thời tiết Sài Gòn khắc nghiệt, dường như không ủng hộ người mặc áo dài, nhiều bữa mặc xong mồ hôi nhễ nhại, bức rức, nóng nực lắm. Thế là tôi phải nghiên cứu để thay đổi chất liệu cho phù hợp; rồi phải tập luyện trong nhiều điều kiện, từ đi bộ, đi xe buýt, xe ôm, đến làm việc, đóng phim… để cơ thể dần quen. Đôi khi phải hi sinh, chịu đựng chút xíu để xây dựng hay gìn giữ bản sắc, chứ chẳng có gì từ trên trời rơi xuống cho mình hưởng.
Đến năm 2009, khi lấy vợ, mình phải làm công tác tư tưởng với vợ về chuyện mặc áo dài thường nhật, để vợ từ từ ủng hộ, đi bên mình không thấy ngại. Rồi nay có con trai con gái, các dịp lễ tết, gia đình lại mặc áo dài đi lễ, đi chơi với nhau.
Người ta cứ nghĩ tôi lên xe xuống ngựa đều có máy lạnh, chứ thực tôi thường dùng xe buýt (cả xe máy, xe ôm, xe đạp…) đi làm, thỉnh thoảng mới dùng đến xe hơi. Tôi cũng hay ngồi bà tám cà phê vỉa hè, nhậu nhẹt ở những quán nóng nực, vẫn chơi áo dài, có sao đâu.
Với nhiều bất tiện như thế, tại sao anh vẫn ngoan cố chọn áo dài?
Vì thật sự áo dài có nhiều thuận tiện lắm, nhất là khi đến các sự kiện lớn hay quan trọng, với đàn ông Việt thì rất lúng túng trong việc chọn đồ cho phù hợp, tôi áo dài là xong. Đó là chưa nói mặt bằng và đẳng cấp thời trang tại Việt Nam cũng còn “lang chạ”, lai tạp dữ lắm, ăn mặc không khéo thành ra bị lên án ăn cắp mẫu mã, hàng nhái, hàng đểu… Tôi chọn áo dài như chọn sự an toàn, dễ dàng…
Nhưng thuận tiện với tôi chưa hẳn là ưu tiên, mà bản sắc, là nguồn cội mới quan trọng hơn. Bản sắc là cái khó mà chối bỏ, chạy theo thiên hạ một hồi, nếu có suy nghĩ thì mình phải quay về với chính mình mà thôi. Trong thế giới phẳng, mình không giữ được bản sắc của mình thì chẳng còn là mình nữa. Tôi có “tầm nhìn xa trên 10 km”, đi trước một xíu, khó khăn chút xíu, chịu thị phi rằng mình quái đản một vài xíu, để nhận về bao nhiên sự thoải mái, tiết kiệm, và dần dà là ánh mắt thân thiện. Thử nhìn vào ảnh lịch, ảnh các sự kiện gần đây mà xem, đàn ông và nghệ sĩ nam nhiều người đã mặc áo dài trở lại, mà chẳng mấy ai bị chê là quái đản, quái thai, vì ba thứ đó tôi đã nghiễm nhiên nhận rồi.
Hơn nữa, nhiều nhà thiết kế hay làm thời trang Việt giàu lên nhờ áo dài, vậy mà có mấy người gắn bó hay tôn tạo hình ảnh bản thân mình cùng với áo dài đâu, tôi chẳng có mục đích kinh doanh gì với áo dài, cứ vô tư mặc.
Và cuối cùng, nếu mặc áo dài mà còn nói chơi nổi, là quái thai… thì đúng là hết chỗ nói rồi. Nó cũng cho thấy chúng ta chưa có thói quen tôn trọng sự khác biệt và tự do, độc lập của người khác. Chỉ cần 10 năm, tôi đã đi từ sự bị miệt thị tận cùng đến cái nhìn “cũng thường thôi”, rồi bây giờ có nhiều người mặc theo, vậy là tôi có lý.
… Đến Mr. Thất Bại
Thương hiệu Cửu Long Jewelry của anh từng có đến 30 cửa hàng tại Việt Nam, để rồi gặp thất bại lớn, chỉ còn có hai cửa hàng với khoản nợ gần 100 tỷ đồng. Anh còn xuất bản cuốn sách Mr. Thất Bại (NXB VHTT, quý 1/2013) để phơi bày thói hư tật xấu của bản thân và giới doanh nhân Việt. Đến nay Cửu Long Jewelry đã gượng dậy, vừa mở cửa hàng thứ 3 tại Tràng Tiền Plaza (Hà Nội) và còn tham vọng vươn ra nước ngoài. Anh đã làm điều đó như thế nào?
Đến nay mà nói tôi hoàn toàn hết nợ là xạo, nhưng chỉ còn nợ vài tỷ, sẽ sớm cân đối được. Khi gặp khủng hoảng, tôi cũng từng có ý định trốn nợ, thậm chí tự tử, rồi đổi số điện thoại này kia. Nhưng sau một thời gian ngắn, nhờ vợ mà tôi đã bình tĩnh lại, dũng cảm và chân thành hơn khi đối diện với từng chủ nợ, xuất trình các đơn đặt hàng mới để năn nỉ họ tha thứ, chịu đứng thêm. Bởi lúc ấy mà có giết tôi thì cũng chỉ được cái xác xương với da vài chục ký thôi.
Nhìn lại, khủng hoảng mà tôi gặp phải đến từ hai lý do chính, bối cảnh khách quan của nền kinh tế và khả năng quản lý thiếu khoa học, thừa tham lam. Bây giờ ước mơ của tôi không phải là 30 cửa hàng tại Việt Nam, mà là 10 cửa hàng tại Đông Nam Á, đầu tiên là Miến Điện, Lào, Campuchia… Tôi muốn đưa nhãn hiệu của mình ra bên ngoài, thay đổi cách quản lý, cách tư duy thị trường để tìm cơ hội mới.
Trong sách Mr. Thất Bại, anh đề cập đến những cái tên mà không nói ra thì ai cũng biết là ai, nào Mr. Bầu, Mr.Taxi, Mrs. Mỹ phẩm, Mrs.Tiên cá, Mr. Phở…, để cuối anh gần như kết luận: “Phần đông doanh nhân Việt đi lên nhờ quan hệ (xấu), chứ không phải bằng thực lực, tôi cũng không ngoại lệ, đó là điều cần phải thay đổi”. Trong 4-5 năm qua anh đã nỗ lực thay đổi, vậy anh đã hết là muốn mọi người gọi mình là Mr. Thất Bại chưa?
Tại sao gần đây Hồ Ngọc Hà, Trang Trần… vượt qua khủng hoảng tốt, những người khác (ví dụ Dr. Thanh…) thì không, chỉ vì họ minh bạch và sẵn sàng đối diện với sự thật mà xấu tốt là tùy góc nhìn. Đời tôi nhiều thăng trầm, mà có khi bệ rạc nhiều hơn thăng hoa, vậy thì thất bại có gì mà đáng giấu? Dù tôi thích được gọi là Mr. Áo Dài hơn Mr. Thất Bại, nhưng nếu cuộc đời cứ thích gọi mình là Mr. Thất Bại, cũng có sao đâu. Hằng ngày mình vẫn chăm chỉ làm ăn, liên tục sửa sai và liên tục tự tin, liên tục minh bạch, với hi vọng rằng mình sẽ gặp may mắn và có tình yêu. Giả dụ đến khi qua đời, lúc đó mình thành công hay thất bại không quan trọng, gia đình, con cái, đồng nghiệp thân thiết đều biết rồi, vậy mà nhiều người vẫn gọi mình là Mr. Thất Bại, cũng vui.
Trước đây anh từng tâm sự vợ anh là một nhân viên bán hàng (Cao Thị Mỹ Vàng), cô ấy đi công việc tại Đà Nẵng, anh tình cờ gặp ngoài đó và xin cưới sau một tuần, đám cưới diễn ra sau đó gần một tháng. Cô ấy là người như thế nào mà làm một tay chơi như anh bị tiếng sét, rồi còn dàn xếp giúp anh việc trả nợ khổng lồ?
Cô ấy là một nhân viên bán hàng bình thường, xuất thân trong một gia đình bình thường ở Đồng Nai, cũng như gia đình tôi ở Thanh Hóa, nhưng mới gặp là tôi đứng hình ngay. Chính khoảnh khắc đó tôi đã biết cô ấy sẽ là vợ mình, như trong tiền kiếp đã là của nhau rồi. Thú thật đến lúc đó tôi chưa bao giờ có ý nghĩ rằng mình sẽ lấy vợ sinh con, vì đời giang hồ lận đận, thích tự do. Nhiều người còn nói tôi lẹo cái, đồng bóng, mà bây giờ gọi mỹ miều là gay, đồng tính.
Nếu vì tìm kiếm danh vọng, tiền tài, tôi đã có thể tìm người khác, nhưng với vợ tôi thì không, cô ấy là định mệnh. Cô ấy hồn nhiên, bình tĩnh đi vào cuộc đời tôi, kéo tôi về với mặt đất, xa dần các ảo tưởng, tham lam để trở nên thẳng thắn, chân thành hơn. Có điều thú vị là cô ấy làm tất cả điều này không hề cố gắng, mà tự nhiên như vậy thôi.
Khi gặp cô ấy ngoài Đà Nẵng, cô ấy chọc tôi là ông chủ tiệm vàng ngoài chợ, vì có biết tôi trên báo trước đó. Khi tôi hỏi tên, cô ấy trả lời “Mỹ Vàng”, tôi còn không tin, cứ ngỡ cô ấy vẫn chọc mình, vậy mà bây giờ lại làm quản lý cho trang sức Cửu Long, đúng là chẳng có gì dự đoán được. Chính cái duyên với Mỹ Vàng mà sau khi có con, tôi hoàn toàn tự tin khi đặt tên là Lê Thánh Thiện, Lê Hoàn Hảo, nếu sinh con nữa, tôi cũng sẽ đặt tiếp những cái tên đầy mong ước và tốt lành như vậy.
Ngoài yếu tố “cứu người” như vợ đã làm với anh, thì anh nghĩ phụ nữ sẽ là gì trong gia đình và xã hội hiện nay?
Với nhiều phụ nữ thì Hùng Cửu Long là nhân vật phản cảm, nhảm nhí, thần kinh, tôi không bao giờ buồn vì suy nghĩ này của họ. Khi họ còn nghĩ như vậy thì nó đã phản ánh một phần suy nghĩ đơn giản và thiếu hụt kinh nghiệm xã hội từ họ, bởi những người nhảm nhí thường ít đem lại đau khổ cho người khác. Rõ ràng đau khổ đến từ những người đàn ông mà nhiều khi họ bảnh bao, thanh lịch bề ngoài.
Chính phụ nữ là người giữ viền mối đạo đức, giáo dục của gia đình và xã hội, nhưng nhiều người không trang bị đủ kiến thức, sự tự tin, bình đẳng để có cuộc sống tốt đẹp, bình yên. Tôi nghĩ giá trị của phụ nữ phải là yếu tố cộng của tự tin, phấn đấu, lao động, khoa học và tình cảm, nhưng quá ít người có đủ, thật là buồn.
Mối quan hệ nam nữ đang thừa cảm xúc và sự ích kỷ mà thiếu khoa học, sự vi tha, bao dung nên ngày càng dễ buông bỏ, bẻ gãy. Tại sao Hillary Clinton, Victoria Beckham… vượt qua được khủng hoảng tày trời để trở thành biểu tượng của tình yêu, của gia đình, vì nhờ có các yếu tố trên, bên cạnh đó là họ có khả năng quản trị khủng hoảng và khoa học quản lý gia đình.
——————————————————
“Người chân chính là khi thấy người khác bị vùi dập, dù vì lý do gì, thì mình cũng phải chìa tay ra che chở, chứ mình cũng tiếp tục vùi dập thì đã là tiểu nhân rồi. Trong cuộc đời, nếu đủ bao dung thì bất kì ai cũng có thể là thầy mình, có điều cho mình học, người bị vùi dập càng có nhiều điều cho mình học” – Hùng Cửu Long.
Hiền Hòa (Phụ Nữ Ngày Nay)
Ảnh: Lữ Đắc Long, Danny Nguyễn, Phú Trần Photo, Đông Đô