Sau chuyến làm việc ở Campuchia gần đây, là một doanh nhân, một công dân Việt Nam, nghệ sĩ – doanh nhân Hùng Cửu Long đã rút ra đôi điều suy nghĩ, dăm bài học kinh nghiệm của ông từ mối quan hệ Việt Nam – Campuchia.
Việt Nam và Campuchia là hai quốc gia láng giềng gần gũi. Trong quá khứ, nhân dân hai nước đã giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước mình bằng cả xương máu, mồ hôi và nước mắt; để từ đó xuất hiện và hội tụ hai chữ thiêng liêng “anh em” trong quan hệ ngoại giao giữa hai dân tộc.
Hiện nay, trong thời đại công nghiệp hoá, khi khoa học và công nghệ thông tin ngày càng phát triển, mọi giá trị càng phải được xây dựng, bồi đắp, bổ sung để thêm chắc chắn, bền vững. Ngoài ra, cần phải sáng tạo và áp dụng tư duy hiện đại từ khoa học công nghệ để có dữ liệu và số liệu trong chuẩn hoá lịch sử ngoại giao, giúp phổ cập sự thật, giúp câu chuyện lịch sử được mọi người tiếp cận. Không ai được phép ngăn cản, cấm đoán quyền tự do tìm hiểu thông tin quá khứ và lịch sử dân tộc của mọi công dân. Đó là quyền tự do cơ bản nhất.
Nhưng trên hết, trong khi số hóa ngoại giao cho nhân dân số hoá, phải làm sao để người người nhà nhà đều hiểu rõ, biết rõ, hành động đúng, suy nghĩ sâu sắc về tương lai để có thể giúp hai dân tộc cùng chia sẻ, thấu hiểu, giúp đỡ nhau. Đó là nguồn lực vô tận của quốc gia, là nguồn sức mạnh của đất nước mãi mãi không bao giờ hết. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng chỉ cần còn một giọt máu của người dân hai nước, thì mối quna hệ ngoại giao như sông như suối giữa hai dân tộc ắt còn chảy, mãi mãi tồn tại và phát triển. Việt Nam và Campuchia sẽ mãi cùng lớn mạnh, mãi là anh em.
Biên giới hai nước núi liền núi, sông liền sông. Con người hai dân tộc gái yêu trai, trai yêu gái, cùng nhau xây dựng gia đình hoà hợp với hai dòng máu yêu thương. Chính trị hai bên đều ủng hộ, bảo vệ và đồng hành cùng nhau trong mọi tổ chức, mọi sự kiện. Trong giáo dục thì cùng học tập, trao đổi, hướng dẫn lẫn nhau. Trong kinh tế thì đầu tư qua lại, cùng nhau làm giàu cho đất nước. Trong văn hoá thì giao lưu, bảo tồn, bảo vệ những di sản của nhau trước mọi sự xâm hại, xoá bỏ từ những kẻ tham lam.
Trong tương lai, vai trò của công nghệ càng quan trọng hơn nữa. Khi đó, mọi sự thật, mọi câu chuyện đều sẽ được phơi bày. Ai cũng sẽ được quyền tiếp cận sự thật, tìm hiểu thông tin. Chính quá trình số hoá, chuyên nghiệp hóa sẽ là yếu tố quyết định thành bại của một quốc gia. Chỉ có sự thật, chỉ có sự thật, chỉ có sự thật mới là nền tảng quan trọng để hai bên tôn trọng, chia sẻ, kết nối quá khứ và tương lai.
Việt Nam và Campuchia cần phải làm gì, làm như thế nào, làm trong bao lâu để hai nước tiếp tục là bạn, là anh em, là đối tác, là hai quốc gia láng giềng cùng nhau phát triển, cùng nhau giàu có, cùng nhau tiến tới văn minh và hoà bình? Đó là trách nhiện của tôi, của bạn, của chúng ta. Muốn có hoà bình, muốn có tinh thần hợp tác, muốn phát triển muốn thành công…, chỉ cần duy nhất là sự tôn trọng, tôn trọng và tôn trọng trong khi cùng thấu hiểu, yêu thương, chia sẻ, trách nhiệm, bảo vệ, ủng hộ, chung thuỷ, tha thứ … Đó là quá khứ, hiện tại và tương lai của Việt Nam – Campuchia.
Hùng Cửu Long